DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP THÀNH PHỐ: ĐÌNH LÀNG GIA PHONG, XÃ TÂN HƯNG, HUYỆN VĨNH BẢO, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Đình làng là công trình tâm linh, tín ngưỡng quan trọng của người dân mỗi làng quê Việt Nam. Đình được xây dựng với chức năng vừa là nơi hội họp của chính quyền địa phương, là không gian để tổ chức hội hè đình đám, diễn xướng sinh hoạt văn hoá dân gian, vừa là không gian linh thiêng nhất để tôn thờ thành hoàng làng - những vị thần có công lao to lớn đối với đất nước, nhân dân. Đình làng Gia Phong, xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo ra đời cũng nằm trong những quy luật chung với ba chức năng cơ bản đó.

Nghinh môn đình
Đình làng Gia Phong được gọi theo tên địa danh của địa phương. Tên gọi được thống nhất trong hồ sơ di tích là: Đình làng Gia Phong, xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.
Đình làng Gia Phong toạ lạc làng Gia Phong, xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.
Xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng là một vùng đất giàu truyền thống đoàn kết, truyền thống cách mạng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân trong xã luôn khẳng định vai trò của mình trong việc chế ngự thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm, khai khẩn đất hoang, lập lên làng xã.
Xã Tân Hưng nằm ở trung tâm của huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng; Có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, quân sự, an ninh; Có quốc lộ 10 và đường 17 chạy qua, đồng thời là cửa ngõ phía Tây Nam của thành phố. Xã có vị trí địa lý: Phía Bắc giáp xã Trung Lập; Tây và Tây Bắc giáp xã Hùng Tiến; phía Tây Nam giáp xã An Hoà; phía Nam giáp xã Hưng Nhân, Vinh Quang; Đông Nam giáp xã Nhân Hoà; Đông và Đông Bắc giáp xã Tân Liên và Việt Tiến. Sau khi chia tách, phía Đông và Đông Bắc giáp thị trấn Vĩnh Bảo. Diện tích đất tự nhiên của xã là 704 ha. Dân số 6.663 người (số liệu tính đến tháng 10 năm 2021).
Trước năm 1945, xã Tân Hưng là địa bàn của tổng Đông Tạ, phủ Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương. Xã Tân Hưng được thành lập từ năm 1947 trên cơ sở sáp nhập 2 xã Song Đông và Duy Tân lấy tên là Tân - Dân, sau đổi thành xã Tân Hưng, gồm các thôn: Đông Tạ, Kênh Trang, Điền Niêm, Gia Phong, Nam Tạ, Liễn Thâm thuộc huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương. Để thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tháng Giêng năm 1952, huyện Vĩnh Bảo tách khỏi tỉnh Hải Dương nhập vào tỉnh Kiến An, xã Tân Hưng thuộc huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Kiến An. Năm 1962, tỉnh Kiến An và Hải Phòng hợp nhất, xã Tân Hưng thuộc huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.
Tên xã Tân Hưng có từ năm 1947 nhưng quá trình hình thành vùng đất và con người đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử và gắn liền với sự phát triển của đồng bằng sông Hồng và sông Thái Bình. Cuốn Dư Nam Hạ ấp chép, từ thế kỷ XI, XII, việc mở mang ấp trại Tây Tạ, nay vết tích vẫn còn ở Bắc Tạ, Nội Tạ, Trung Tạ, Nam Tạ, Đông Tạ. Từ việc nghiên cứu các chứng tích lịch sử, các thần phả, thần tích, sắc phong còn lưu giữ ở các đình làng, từ đường dòng họ cho thấy, con người đến đây khai phá vùng đất này khá sớm, họ tiến hành đào kênh dẫn nước, thau chua, rửa mặn, lập lên các làng xã. Từ khi khai phá vùng đất này cho đến ngày nay, cư dân sinh sống bằng cấy lúa, trồng khoai, chăn nuôi gia súc, đánh bắt tôm cá trên sông và bán buôn... Sự hình thành vùng đất và con người của xã Tân Hưng có sự gắn bó mật thiết với lịch sử phát triển của huyện, của thành phố và đất nước.
Làng Gia Phong thuộc xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo. Trước năm 1945, là làng Gia Phong, tổng Đông Tạ, phủ Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương. Địa danh “Gia Phong” đã được nhắc đến trong chuông chùa Giá Linh của làng từ niên hiệu Gia Long thứ 12 (1813), lúc đó là thôn Gia Phong, xã Liễn Thâm. Hiện nay, chuông chùa Giá Linh của làng Gia Phong được treo trong tiền đường đình Điền Niêm.
Gia Phong là vùng đất rộng nằm trong lưu vực sông Thái Bình. Cư dân đầu tiên đến khai phá vùng đất thuộc các dòng họ: Nguyễn, Phạm, Vũ, Đình, Lê... Đến nay đã phát triển thành 51 chi họ. Khi cuộc sống đi vào ổn định, nhân dân địa phương đã tạo dựng các công trình đình, chùa, đền, miếu để phục vụ nhu cầu tâm linh tín ngưỡng, tôn giáo chung của cộng đồng

Mặt trước toà tiền bái
Đình và miếu Gia Phong thờ 02 vị thành hoàng là: Hoàng Tá và Bạt Hải. Cả hai đều không rõ sự tích, được thờ bằng bài vị và ngai. Trước năm 1938, làng Gia Phong còn giữ được 07 sắc phong thuộc các đời vua nhà Nguyễn như: Tự Đức 3 (1850), Tự Đức 6 (1853), Đồng Khánh 2 (1887), 02 sắc Duy Tân 3 (1909), 02 sắc Khải Định 9 (1924).
Làng Gia Phong tạo dựng được 03 ngôi chùa để thờ Phật như: Chùa Giá Linh (phía Tây Bắc của làng), chùa Lan (Gia Phong thiền tự), phía Đông Bắc của làng và chùa Hồ (phía Tây Bắc của làng).
Đền Tam Thánh được dựng từ lâu đời. Đền thờ ba vị thần: Đức thánh Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật.
Đền Vua Vịt thuộc thôn 6 của làng. Đền thờ ông thần chăn vịt.
Văn chỉ được xây dựng đề thờ Đức thánh Khổng Tử và khuyến khích việc học hành, khoa cử của địa phương.
Sự ra đời của các làng xã Tân Hưng khác nhau về thời gian cũng như quá trình hình thành và phát triển, song nhìn chung những cư dân đến đây khai phá đất hoang lập nên làng xã, sinh sống chủ yếu bằng gieo trồng lúa nước, đánh bắt tôm cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm nghề thủ công và buôn bán. Trong quá trình sinh sống, nhân dân các làng xã qua các thời kỳ lịch sử đã hun đúc nên những truyền thống quý báu, nhân dân lao động luôn coi trọng tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”, cuộc sống tuy còn đơn sơ nhưng tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách được hình thành và phát triển thành truyền thống của quê hương. Cũng như các làng quê khác trong huyện, Tân Hưng sớm có truyền thống hiếu học, có nhiều người học hành thành đạt. Dưới triều phong kiến có Nguyễn Sâm, người làng Đông Tạ, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Giáp Thìn (1484) đời Lê Minh Tông. Theo thần tích của làng Nam Tạ thì Đỗ Lương Tướng và em ruột Đỗ Thân Không đều đỗ Tiến sĩ.
Đình làng Gia Phong cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 38 km. Từ trung tâm thành phố (Nhà hát thành phố) đến di tích, chúng ta có thể đi theo hai tuyến đường giao thông gồm tuyến qua Đường tỉnh 354 và tuyến qua Quốc lộ 10.
Để đến di tích nhanh nhất, chúng ta có thể đi tuyến qua Đường tỉnh 354. Từ nhà hát thành phố theo đường Quang Trung để đến công viên Tam Bạc. Tại ngã tư công viên Tam Bạc đi thẳng vào đường Trần Nguyên Hãn, tiếp tục di chuyển 2, 3 km qua cầu Niệm 1 để vào đường Trường Chinh/TL360. Di chuyển trên đường Trường Chinh 2 km đến vòng xuyến thì đi theo lối rẽ thứ 3 để vào đường Trần Nhân Tông, đi tiếp 3.6 km đến ngã 5 Kiến An rẽ trái để vào đường Trần Tất Văn/ĐT354. Di chuyển trên ĐT354 khoảng 20 km rẽ trái để qua cầu Đăng. Qua cầu Đăng 1 km rẽ phải vào QL37, đi trên QL37 khoảng 0.25 km rẽ trái rồi đi tiếp 3 km đến trụ sở UBND xã Tân Hưng hỏi thăm vào di tích.
Đình làng Gia Phong có lịch sử hình thành từ lâu đời và đình thờ vị thần Bạt Hải phu nhân làm thành hoàng của làng. Tục truyền, trước kia, khu đất chỗ miếu của làng (nơi thờ ngài Hoằng Tá) rất nghịch, nên ngài Bạt Hải phu nhân cùng với ngài Hoằng Tá đã hiển linh để trấn an, từ đó nhân dân được yên ổn, an khang, thịnh vượng. Trải thời gian, hai ngài luôn hiển hiện linh phù giúp dân, giúp nước.
Bản khai Thần tích Thần sắc làng Gia Phong, tổng Đông Tạ, phủ Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương năm 1938 cho biết: Đình làng Gia Phong thờ một vị âm thần (nữ thần). Tên huỷ là Bạt Hải và ngài là thiên thần.
Trải các triều đại, ngài được ban tặng sắc phong và cho phép dân thôn được phụng thờ như: Sắc ngày 10 tháng 11 niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853) phong là “Bản Cảnh Thành Hoàng Linh Phù Chi Thần”; ngày 01 tháng 7 niên hiệu Đồng Khánh thứ 2 (1887) gia phong là “Dực Bảo Trung Hưng Chi Thần”; ngày 01 tháng 8 niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1909) gia phong là “Vi Nhu Vi Diệu Linh Phù Dực Bảo Trung Hưng Bạt Hải Phu Nhân Chi Thần”; ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) gia phong là “Trinh Uyển Tôn Thần”.
Đình làng Gia Phong quay hướng Tây, nằm gần khu dân cư, phía sau là trường mầm non cơ sở 2 xã Tân Hưng, phía trước mặt có con đường liên thôn của xã chạy qua. Tổng thể công trình di tích gồm có nghi môn, tường bao, đình và nhà khách. Trong đó, đình là công trình chính có bố cục mặt bằng hình chữ Đinh, xây kiểu tường hồi bít đốc, tay ngai trụ biểu.

Bộ vì nóc và các hàng chân cột
Mở đầu kiến trúc đình là nghi môn kiểu tứ trụ, giữa hai trụ chính gắn bức bình phong lớn dạng cuốn thư để ngăn gió độc. Hệ thống nghi môn cổng, bình phong của đình làm hoàn toàn bằng đá xanh nguyên khối và được chạm khắc, trang trí hình những văn triện, hoa lá thiêng, hổ phù cách điệu, chữ phúc, chữ thọ... rất công phu, tỉ mỉ. Đi qua khoảng sân được lát gạch Bát Tràng là công trình chính của đình. Đình được bố cục theo kiểu chữ Đinh truyền thống với 5 gian tiền tế và 2 gian hậu cung. Kiến trúc đình được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu hiện đại xi măng cốt sắt, mái lợp ngói mũi hài.

Hoạ tiết trang trí hoa văn trên bộ vì nách
Thành phần chịu lực chính của toà tiền tế được dựng trên cơ sở các cột, rầm, xà bê tông để tạo thành sáu bộ vì kèo với vì nóc làm kiểu “chồng rường giá chiêng”, vì nách kiểu “chồng rường”. Trang trí trên các cấu kiện kiến trúc phỏng theo đề tài truyền thống Việt với hình rồng, đấu sen, mây cụm, hoa văn lá lật trên má các con rường, xà, đấu kê... Trên mái tiền tế đắp trang trí các hình kìm nóc, lưỡng long chầu hổ phù. Hệ thống cửa của tiền tế gồm ba gian cửa gỗ lim kiểu thượng song hạ bản rất chắc chắn, trên hệ cửa được chạm khắc trang trí các đề tài hoa lá thiêng, văn triện,tứ linh, tứ quý, dơi ngậm chữ thọ...
Hậu cung đình gồm hai gian, xây kiểu tường hồi bít đốc. Hậu cung có hai bộ vì, vì nóc làm kiểu “chồng rường giá chiêng”, vì nách kiểu “ván mê”. Không gian toà hậu cung được đặc biệt chú trọng với hệ thống bệ tam cấp bằng bê tông được lát gạch hoa để đặt long ngai, bài vị của ngài thành hoàng Bạt Hải phu nhân.
Nhìn tổng thể, kiến trúc đình làng Gia Phong có quy mô vừa phải nhưng chắc chắn, có thể bảo tồn được lâu dài để phát huy giá trị văn hoá tâm linh, đời sống tín ngưỡng của cộng đồng dân cư địa phương.

Bộ vì nóc và các hàng chân cột
Đình làng Gia Phong, xã Tân Hưng là công trình tín ngưỡng quan trọng trong đời sống tâm linh của các thế hệ người dân Gia Phong. Đình thờ vị thần Bạt Hải phu nhân làm thành hoàng của làng. Trải các triều đại, ngài đều được vua ban tặng sắc phong và cho phép làng Gia Phong được hương khói phụng thờ. Sắc ngày 10 tháng 11 niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853) phong là “Bản Cảnh Thành Hoàng Linh Phù Chi Thần”; ngày 01 tháng 7 niên hiệu Đồng Khánh thứ 2 (1887) gia phong là “Dực Bảo Trung Hưng Chi Thần”; ngày 01 tháng 8 niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1909) gia phong là “Vi Nhu Vi Diệu Linh Phù Dực Bảo Trung Hưng Bạt Hải Phu Nhân Chi Thần”; ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) gia phong là “Trinh Uyển Tôn Thần”.

Nhang án tiền
Bên cạnh đó, đình còn là không gian thiêng để cộng đồng tổ chức lễ hội truyền thống của làng Gia Phong. Trong phần lễ, nhân dân làng Gia Phong còn bảo tồn và thực hành nhiều nghi lễ truyền thống như tế lễ, rước...thể hiện sự tri ân thành kính của cộng đồng đối với Thành hoàng cũng như lời nguyện cầu gửi tới Thành hoàng luôn âm phù, che chở cho toàn thể nhân dân được hưởng mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân khang vật thịnh. Trong phần hội có các hoạt động văn hoá, trò chơi dân gian truyền thống như: đánh cờ tướng, cờ người, đấu vật, đập niêu đất, cầu thùm...
Điều đó cho thấy, lễ hội đình làng Gia Phong không những thể hiện tấm lòng tri ân, kính ngưỡng của nhân dân đối với ngài thành hoàng Bạt Hải phu nhân mà còn là không gian để nhân dân địa phương tìm lại sự cân bằng trong đời sống tâm linh, từ đó tái tạo sức mạnh tinh thần, tiếp tục hăng say lao động sản xuất, làm cho quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp hơn.

Cỗ ỷ, mâm mịch và đài quả

Đại tự

Bản chúc
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Điều 11, Nghị Định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về phân loại di tích;
Căn cứ giá trị lịch sử, giá trị văn hóa hàm chứa tại di tích đình làng Gia Phong, xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo, Bảo tàng Hải Phòng lập Hồ sơ khoa học di tích, trân trọng đề nghị Hội đồng tư vấn xét duyệt xếp hạng di tích thành phố xét, trình UBND thành phố quyết định xếp hạng di tích đình làng Gia Phong, xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo là Di tích lịch sử.
Nguồn: Bảo tàng Hải Phòng