DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP THÀNH PHỐ: ĐÌNH LÀNG KÊNH TRANG, XÃ TÂN HƯNG, HUYỆN VĨNH BẢO, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, hình ảnh về “Cây đa, bến nước, sân đình” thực sự mộc mạc, thân thương. Đặc biệt, hình ảnh về ngôi đình làng mái ngói rêu phong cổ kính, gợi nhớ về ký ức tuổi thơ, về hồn quê đất mẹ với những buổi hội hè đình đám, hát cửa đình đêm trăng. Đình làng Kênh Trang là niềm tự hào của người dân địa phương, tên di tích được đặt theo địa danh toạ lạc, đình làng Kênh Trang, thôn Kênh Trang, xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.

Toàn cảnh Đình Kênh Trang
Đình làng Kênh Trang toạ lạc thôn Kênh Trang, xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng
Tân Hưng nằm ở trung tâm của huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, phía Bắc giáp xã Trung Lập; Tây và Tây Bắc giáp xã Hùng Tiến; phía Tây Nam giáp xã An Hoà; phía Nam giáp xã Hưng Nhân, Vinh Quang; Đông Nam giáp xã Nhân Hoà; Đông và Đông Bắc giáp xã Tân Liên và Việt Tiến. Sau khi chia tách, phía Đông và Đông Bắc giáp thị trấn Vĩnh Bảo. Diện tích đất tự nhiên của xã là 667 ha (trong đó canh tác 392 ha). Dân số 6577 người (số liệu tính đến năm 2007).
Trước năm 1945, xã Tân Hưng là địa bàn của tổng Đông Tạ, phủ Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương. Xã Tân Hưng được thành lập từ năm 1947 trên cơ sở sáp nhập 2 xã Song Đông và Duy Tân lấy tên là Tân - Dân, sau đổi thành xã Tân Hưng, gồm các thôn: Đông Tạ, Tân Trang, Điền Niêm, Gia Phong, Nam Tạ, Liễn Thâm thuộc huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương. Để thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tháng Giêng năm 1952, huyện Vĩnh Bảo tách khỏi tỉnh Hải Dương nhập vào tỉnh Kiến An, xã Tân Hưng thuộc huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Kiến An. Năm 1962, tỉnh Kiến An và Hải Phòng hợp nhất, xã Tân Hưng thuộc huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.
Tên xã Tân Hưng có từ năm 1947, nhưng quá trình hình thành vùng đất và con người đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử và gắn liền với sự phát triển của đồng bằng sông Hồng và sông Thái Bình. Cuốn Dư Nam Hạ ấp chép, từ thế kỷ XI, XII, việc mở mang ấp trại Tây Tạ, nay vết tích vẫn còn ở Bắc Tạ, Nội Tạ, Trung Tạ, Nam Tạ, Đông Tạ. Từ việc nghiên cứu các chứng tích lịch sử, các thần phả, thần tích, sắc phong còn lưu giữ ở các đình làng, từ đường dòng họ cho thấy, con người đến đây khai phá vùng đất này khá sớm, họ tiến hành đào kênh dẫn nước, thau chua, rửa mặn, lập lên các làng xã. Từ khi khai phá vùng đất này cho đến ngày nay, cư dân sinh sống bằng cấy lúa, trồng khoai, chăn nuôi gia súc, đánh bắt tôm cá trên sông và bán buôn... Sự hình thành vùng đất và con người của xã Tân Hưng có sự gắn bó mật thiết với lịch sử phát triển của huyện, của thành phố và đất nước.
Thôn Kênh Trang trước năm 1945 là xã Kênh Trang, tổng Đông Tạ, phủ Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương. Trong danh sách làng xã trước 1813 chưa có xã này trong tổng Đông Tạ, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Trong Đồng Khánh dữ địa chí, chưa thấy nhắc đến địa danh Kênh Trang, nhưng xuất hiện xã Kênh Hữu thuộc tổng Bắc Tạ.
Những cư dân đầu tiên đến đây sinh sống thuộc các dòng họ Phạm, Vũ, Bùi, Nguyễn, Trần; trong đó họ Phạm cho rằng họ là hậu duệ của thành hoàng làng Yết Kiêu, vốn quê gốc ở làng Quát (tức Hạ Bì, Gia Lộc, Hải Dương). Họ sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, sau đó nhiều gia đình đã hợp lại thành làng lấy nghề sống chính là chài lưới và gieo trồng lúa nước.
Cuộc sống dần đi vào ổn định, người dân đã xây dựng ngôi nhà công cộng để cộng đồng sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng, đó chính là ngôi đình làng Kênh Trang. Sự ra đời của các làng xã Tân Hưng khác nhau về thời gian cũng như quá trình hình thành và phát triển, song nhìn chung những cư dân đến đây khai phá đất hoang lập nên làng xã, sinh sống chủ yếu bằng gieo trồng lúa nước, đánh bắt tôm cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm nghề thủ công và buôn bán. Trong quá trình sinh sống, nhân dân các làng xã qua các thời kỳ lịch sử đã hun đúc nên những truyền thống quý báu, nhân dân lao động luôn coi trọng tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”, cuộc sống tuy còn đơn sơ nhưng tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách được hình thành và phát triển thành truyền thống của quê hương.
Cũng như các làng khác trong huyện, Tân Hưng sớm có truyền thống hiếu học, có nhiều người học hành thành đạt. Dưới triều phong kiến có Nguyễn Sâm, người làng Đông Tạ, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Giáp Thìn (1484) đời Lê Minh Tông. Theo thần tích của làng Nam Tạ thì Đỗ Lương Tướng và em ruột Đỗ Thân Không đều đỗ Tiến sĩ.

Mặt bên Đình Kênh Trang
Đình làng Kênh Trang là công trình tín ngưỡng quan trọng trong đời sống văn hóa của cộng đồng người dân địa phương. Đình được dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống Việt; bố cục mặt bằng theo kiểu chữ Đinh, gồm hai tòa: Tiền Tế và Hậu Cung.
Tòa Tiền Tế được thiết kế theo kiểu chéo đao tàu góc, với bốn mái, các đầu đạo cong cong góp phần làm cho tòa công trình thanh thoát, bay bổng giữa tầng không vũ trụ. Phần bờ nóc được đắp linh vật rồng trong thế lưỡng long chầu hổ phù đội mặt nguyệt, biểu tượng gắn với ước vọng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, cư dân ngư nghiệp, đó là yếu tố cầu nước của dân Việt; Hai đầu kìm đắp trụ đấu, trên trụ đấu gắn lá cách điệu; bờ guột đắp biểu tượng rồng ngậm bờ guột trong thế được cách điệu từ lá thiêng; đầu đạo đắp tổ hợp rồng chầu phượng mớn; hệ mái tòa Tiền Tế được lợp ngói vẩy. Nhìn một cách tổng thể, hệ mái tòa công trình đình làng Kênh Trang đồ sộ, sống động với các hình tượng trang trí là các linh vật thiêng rồng, phượng, mang sức mạnh siêu nhiên của vũ trụ, khi được trang trang trí trên hệ mái công trình tâm linh, tín ngưỡng những linh vật này đã phần nào chuyển tải ước vọng no đủ, ước vọng về cuộc sống ngày càng sinh sôi, phồn thịnh.

Vì nóc toà tiền bái
Tòa Tiền Tế có kiến trúc 3 gian với 4 bộ vì. Hệ vì gồm có vì nóc, vì nách. Các vì có dạng thức kết cấu và trang trí hoa văn tượng đồng với nhau. Vì nóc thiết kế kiểu chồng rường giá chiêng; vì nách kiểu chồng rường cột trốn. Trên má các rường, má câu đầu, má xà nách được đắp đề tài lá thiêng; đấu kê đắp cánh sen.

Vì nóc toà hậu cung
Để tạo không gian cho tòa công trình, đình làng Kênh Trang đã sử dụng lối thức trốn hệ thống cột cái của gian giữa, thay vào đó sử dụng các hệ xã ngang, xà dọc để nối các hệ vì với nhau, xà dọc nối hai cột cái trốn với hai đầu cột quân. Biện pháp này đã thực sự hiệu quả khi làm cho không gian rộng thoáng, phục vụ hoạt động tế lễ trong tổ chức sinh hoạt văn hóa, lễ hội hằng năm của đình làng.

Cửa võng, đại tự cửa hậu cung
Nối với toà Tiền Tế từ không gian của gian chính giữa là toà Hậu Cung để tạo thành công trình với bố cục hình chữ Đinh truyền thống. Toà Hậu cung có kiến trúc kiểu tường hồi bít đốc, không gian được mở 2 gian với 3 bộ vì toà Tiền Tế; vì nách kiểu thức ván mê. Hoa văn trang trí trên hệ vì kiến trúc toà Hậu Cung được đắp tổ hợp lá thiêng trến má các rường, câu đầu, ván mê, trụ đầu đắp cánh sen.

Cuốn thư
Nhìn một cách tổng thể, kiến trúc Đình Kênh Trang còn mới, hệ khung chịu lực chắc khoẻ, lấy vật liệu hiện đại xi măng, cốt sắc làm chủ đạo, song với tay nghề điêu luyện, con mắt thẩm mỹ, đầu óc tinh tế của các kiến trúc sư đã tạo lên một ngôi Đình làng vẫn đậm phong cách truyền thống đình làng Việt với mái ngói đao cong, kiến trúc khung chịu lực sử dụng hệ vì kèo, cột, hoa văn lá thiêng, cánh sen là đề tài phổ biến trong kiến trúc cổ truyền Việt.

Nhang án
Vượt ra ngoài vẻ đẹp về hình thức, điểm tối linh tối thượng của ngôi đình được đọng lại ở toà Hậu Cung, nơi trang nghiêm đặt long ngai và thần tượng đức thành hoàng làng Yết Kiêu. Tại vị trí cao nhất nơi thần ngự, hướng mắt nhìn về con dân trăm họ để chở che, ban phước lành cho cộng đồng dân thôn. Trải thời gian, việc thờ phụng thành hoàng luôn được người dân địa phương coi trọng, duy trì hằng năm trong đời sống văn hoá, tín ngưỡng.

Sắc phong (Khải Định 2 -1917)

Lễ cắt băng khành thành Đình làng Kênh Trang
Đình làng Kênh Trang là công trình tín ngưỡng quan trọng trong đời sống của người dân địa phương, đình là nơi linh thiêng tôn thờ Tịnh mục Yết Kiêu tôn thần làm thành hoàng làng, vị anh hùng dân tộc có công với đất nước, với nhân dân. Trải qua thăng trầm lịch sử, đình làng thuở ban đầu không còn nhưng với tình cảm và lòng biết ơn của người dân địa phương đã cùng nhau phục dựng được công trình tín ngưỡng để thờ Thánh. Cùng với những di sản còn được bảo lưu tại đình như: Sắc phong, thần tượng, hệ thống hoành phi, câu đối đã góp phần minh chứng và làm giàu thêm giá trị lịch sử, văn hoá cho đình làng. Với những giá trị tiêu biểu nêu trên, Bảo tàng Hải Phòng xây dựng lý lịch di tích đề nghị Hội đồng Tư vấn, xét duyệt, xếp hạng di tích cấp thành phố xét duyệt trình UBND thành phố quyết định xếp hạng đình làng Kênh Trang, xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo là Di tích lịch sử.
Nguồn: Bảo tàng Hải Phòng